Uncategorized

Kho bạc Nhà nước: Sớm hoàn thành lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến

Chia sẻ ngay

(TBTCVN) – Có thể nói, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19, là thời điểm vàng để Kho bạc Nhà nước (KBNN) thúc đẩy các đơn vị sử dụng ngân sách triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Số đơn vị tham gia DVCTT và số chứng từ giao dịch qua dịch vụ công tăng vọt thời điểm dịch bệnh. Kết quả này hứa hẹn, hệ thống KBNN sẽ sớm hoàn thành lộ trình triển khai DVCTT trong năm nay.

Chứng từ qua DVCTT tăng gấp 4 lần thời điểm trước dịch bệnh

Tăng cường sử dụng DVCTT, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện và đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống KBNN thời gian qua.

Vào thời điểm năm 2019,  mục tiêu là triển khai DVCTT tại tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) có giao dịch với KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2019, KBNN đề nghị KBNN tỉnh tạm ngưng mở rộng thêm đơn vị giao dịch với KBNN cấp huyện, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh việc triển khai DVCTT đối với KBNN cấp tỉnh, đảm bảo đạt tỷ lệ 100% theo đúng mục tiêu đề ra. Kết quả là trong năm 2019, KBNN đã triển khai 100% thủ tục hành chính KBNN được thực hiện trên DVCTT mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng NSNN có giao dịch với KBNN cấp tỉnh, KBNN quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia dịch vụ công mức 4. Tại nhiều địa phương, đã tiếp tục mở rộng DVCTT đến các huyện để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch.

Thời điểm những tháng đầu năm 2020, KBNN đã triển khai tích hợp thành công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 4 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn. Mỗi ngày hệ thống DVCTT của KBNN tiếp nhận và xử lý khoảng gần 100.000 chứng từ và 50 – 60 nghìn hồ sơ.

Theo thống kê của KBNN, trước khi dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam (cuối tháng 1/2020), tổng số đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia DVCTT là 55.570 đơn vị, chiếm tỷ lệ 60% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách trên toàn quốc. Số lượng chứng từ, bảng kê mà các đơn vị gửi đến KBNN thông qua hệ thống DVCTT là hơn 1,1 triệu chứng từ, trong đó số chứng từ thanh toán là 706.556, chiếm tỷ lệ 31% trên tổng chứng từ chi NSNN.

Tuy nhiên, sau 2 tháng (tháng 2, tháng 3/2020) và 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 1/4/2020 đến 22/4/2020), tổng số đơn vị sử dụng ngân sách đã đăng ký tham gia DVCTT là 72.185 đơn vị, tăng thêm 16.675 đơn vị so với thời điểm 31/1/2020 (chiếm tỷ lệ 30%). Hệ thống DVCTT cũng đã tiếp nhận hơn 4,6 triệu chứng từ bảng kê, tăng gấp 4 lần so với thời điểm 31/1/2020. Trong đó, số chứng từ thanh toán là hơn 3 triệu, đạt tỷ lệ 66% trên tổng chứng từ chi NSNN.

Theo KBNN, trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội, kể từ ngày 1/4/2020, các công chức hỗ trợ DVCTT phải cắt cử làm việc luân phiên, trực ở nhà thay vì ngồi làm việc ở trụ sở KBNN. Cán bộ KBNN sử dụng máy tính xách tay được cài đặt kết nối vào hệ thống mạng của KBNN và hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách từ xa. Việc thực hiện linh hoạt, chủ động này của KBNN vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa giải quyết được phần lớn các vướng mắc của các đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình vận hành, sử dụng hệ thống DVCTT.

Thống kê của KBNN cho thấy, trong số 1.899 yêu cầu hỗ trợ mà các đơn vị gửi về trong 3 tuần giãn cách xã hội, đội hỗ trợ đã xử lý được 1.867 yêu cầu, 32 yêu cầu còn lại đang được tiếp tục nghiên cứu để đưa vào các phiên bản nâng cấp sắp tới của hệ thống DVCTT. Với việc các đơn vị tăng cường sử dụng DVCTT để giao dịch với kho bạc, số lượng người sử dụng DVCTT cũng đã gia tăng đáng kể trong 3 tháng trở lại đây. Cụ thể, từ chỗ 5.818 người sử dụng đồng thời ở thời điểm 31/1/2020 đã tăng lên 11.126 người vào ngày 21/4/2020 (tăng gần gấp đôi so với trước).

Để đảm bảo hệ thống DVCTT vận hành ổn định, đáp ứng số lượng đơn vị đăng ký sử dụng và giao dịch thanh toán tăng cao, KBNN đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật để bổ sung hạ tầng, tối ưu ứng dụng, tăng cường công tác giám sát quản trị vận hành, giảm tải cho hệ thống DVCTT, đáp ứng yêu cầu truy cập ngày càng tăng của người sử dụng.

Nhiều kho bạc huyện hoàn thành “phủ sóng” DVCTT

Tại một số địa phương, việc triển khai nốt các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện giao dịch qua DVCTT về cơ bản đã hoàn thành ngay tại thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Để giúp các đơn vị sử dụng ngân sách triển khai một ứng dụng công nghệ mới trong giao dịch với kho bạc trong điều kiện bình thường đã khó, nhưng thực hiện trong điều kiện cả xã hội đang giãn cách lại khó hơn nhiều. Tuy nhiên với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tại một số KBNN tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai… đã gần như hoàn thành “phủ sóng” DVCTT.

Trong đó, tại một số KBNN cấp huyện cũng đã hoàn thành việc hỗ trợ tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn sử dụng DVCTT. Tại nhiều địa bàn huyện miền núi, để triển khai loại ứng dụng giao dịch mới này là vô cùng khó khăn, từ con người, cho đến cơ sở vật chất, đó là còn chưa kể đến tâm lý e ngại áp dụng cái mới.

Trong chuyến công tác gần đây của chúng tôi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, điều đáng ngạc nhiên là ở nhiều KBNN cấp huyện, việc triển khai DVCTT lại hết sức thành công. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi đó là câu chuyện tại KBNN huyện Yên Bình (Yên Bái). Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Tiến Bình – Giám đốc KBNN huyện cho biết, từ ngày 1/6, tất cả 116 đơn vị sử dụng ngân sách trong huyện đã tham gia DVCTT với 100% chứng từ được gửi qua dịch vụ này. Theo ông Phạm Tiến Bình, thời gian đầu, KBNN huyện chỉ định thí điểm ở 20 đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng sau khi được tập huấn, nhiều đơn vị đã quyết định thực hiện, nên có tới 32 đơn vị đăng ký tham gia. Trong đó có xã Xuân Long, cách trung tâm huyện hơn 90 cây số, kế toán xã mỗi lần đi giao dịch tại kho bạc huyện phải mất 2 ngày. Song giờ đây, khi thực hiện giao dịch qua DVCTT, có quá nhiều lợi ích mang lại và nhiều đơn vị thấy mình “tại sao không sử dụng sớm hơn”. Hiệu quả thấy rõ khi tiết giảm thời gian, chi phí từ đi lại cho tới hồ sơ, chứng từ. Đó là chưa kể tới những lợi ích như công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Như vậy có thể thấy, KBNN sẽ sớm hoàn thành lộ trình triển khai DVCTT cho 100% đơn vị sử dụng ngân sách trong năm 2020. Kết quả này sẽ góp phần quan trọng để hệ thống KBNN hoàn thành mô hình kho bạc điện tử trong năm nay. Muốn vậy, KBNN cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện việc giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua DVCTT. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm, lâu dài của KBNN nhằm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rút ngắn thời gian kiểm soát chi, tạo thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư đối với công tác kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN để tiến tới kiểm soát chi điện tử.

Theo KBNN, đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ của kho bạc được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để hướng tới hình thành kho bạc số. Do đó, KBNN sẽ nâng cấp hệ thống DVCTT, bổ sung các thủ tục nghiệp vụ điện tử mới, để giao dịch ngày càng tiện ích, hiệu quả, góp phần vào quản lý hiệu quả ngân quỹ nhà nước.

Minh Anh
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

 


Chia sẻ ngay

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

.
.
.
.